Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên mâm cơm lại có sự xuất hiện của các món bánh truyền thống như: bánh chưng, bánh tét, bánh phu thê,… mỗi loại đều mang một ý nghĩa riêng trong những ngày đầu năm mới.
Bánh chưng (miền Bắc)
Tục truyền rằng vào đời vua Hùng thứ 6, sau khi đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi nhà vua bèn có ý định truyền ngôi lại cho con. Để tìm ra người xứng đáng nhất, vua Hùng ra chiếu chỉ ai bày được mâm cỗ có ý nghĩa nhất sẽ được cai trị vương quốc. Bấy giờ Lang Liêu (người con thứ 18) được thần mách bảo dùng gạo nếp để làm thành những chiếc bánh hình vuông (bánh chưng) và hình tròn (bánh dầy) dâng lên vua cha. Những chiếc bánh hình vuông tượng trưng cho mặt đất, hình tròn tượng trưng cho mặt trời, phần lá xanh gói bên ngoài ruột bánh tượng trưng cho tình yêu thương của cha mẹ, những sợi dây buộc bên ngoài bánh tượng trưng cho tinh thần đoàn kết và gắn bó của các thành viên trong gia đình. Lang Liêu được truyền lại ngôi vua và kể từ đó món bánh này trở thành truyền thống của người Việt.
Nhờ ý nghĩa cao đẹp mà cho đến ngày nay, bánh chưng là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của miền Bắc. Những chiếc bánh ngon lành được làm từ gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt mỡ và được gói bằng lá dong tạo nên nét đặc trưng của bánh.
Bánh tét (miền Nam)
Nếu như miền Bắc có bánh chưng thì bánh tét là một trong
những món ăn ngày Tết miền Nam không thể thiếu. Cách làm cũng có phần tương tự như bánh chưng, song, bánh tét lại được gói theo dạng hình trụ dài, phần nhân bên trong gồm: gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn.
Theo những người cao niên, bánh tét mang ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh người mẹ đang bao bọc lấy con và sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Vào ngày Tết, sự hiện diện của bánh tét như lời nhắc nhở về công ơn sinh thành của cha mẹ trong những ngày đầu năm.
Người miền Nam thường cắt bánh tét ra chiên giòn và ăn kèm với dưa hành (dưa củ kiệu) hoặc các loại rau để không bị ngán. Bạn có thể xem thêm
cách muối dưa hành giòn ngon!
Bánh cộ (Huế)
Huế là một trong những kinh đô trong thời đại phong kiến, đến ngày nay Huế vẫn còn giữ được nhiều nét riêng trong ngày Tết cổ truyền. Bánh cộ (còn gọi là bánh in) là một trong những món ăn truyền thống của vùng đất này.
Tục truyền rằng, vào thời nhà Nguyễn, bánh cộ được dâng lên cho vua với ý nghĩa cầu chúc trường thọ. Nhà vua thường dùng bánh này mỗi khi uống trà vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân xem đây là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp đầu năm.
Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về, sự hiện diện của những chiếc bánh cộ góp phần tô điểm thêm màu sắc cho nền ẩm thực của Huế. Theo người dân địa phương, bánh cộ thường được dùng kèm với một ly trà nóng mới thưởng thức hết được hương vị thơm ngon của bánh.
Bánh đậu xanh (Hải Dương)
Trong một lần kinh lý đến Hải Dương, vua Bảo Đại được người dân dâng lên những chiếc bánh đậu xanh rất bắt mắt. Nhà vua thưởng thức trong lúc uống trà và hết lời khen ngợi, kể từ đó bánh đậu xanh trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ này.
Bánh đậu xanh không kén người ăn, mọi lứa tuổi đều dùng được nên mang ý nghĩa gắn kết các thế hệ trong gia đình lại với nhau và thường được thưởng thức trong lúc trò chuyện hay thưởng trà,…
Bánh phu thê (Bắc Ninh)
“Phu thê” là một tên gọi khác của chú rể (phu) và cô dâu (thê). Loại bánh với tên gọi đặt biệt này rất phổ biến trong các đám cưới hỏi và dịp lễ Tết quan trọng trên mọi miền. Bánh mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng thủy chung son sắt của các cặp vợ chồng, phần bột mỏng ôm trọng nhân đậu xanh bên trong thể hiện sự ôm ấp, chở che ấm áp của tình nghĩa vợ chồng.
Với những ý nghĩa cao đẹp, bánh phu thê nghiễm nhiên trở thành món tráng miệng hấp dẫn trong ngày đầu năm. À, mà quên nói các bạn biết, đây là món ăn đặc sản của tỉnh Bắc Ninh nhé!
Theo: O Nữ t/h.
Tags: ý nghĩa của 5 món bánh truyền thống trong ngày Tết cổ truyền